Cô gái trẻ Hà Nội tái hiện mô hình mâm cỗ Tết truyền thống bằng đất sét

Với mong muốn lan tỏa ý nghĩa của bữa cơm gia đình, đặc biệt trong những ngày Tết đến Xuân về, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (36 tuổi, Hà Nội) say sưa, cần mẫn suốt 3 tháng để tạo ra những mâm cỗ đậm vị Tết Việt.

Mâm cơm gia đình, mâm cỗ Tết cổ truyền, bàn thờ gia tiên, không gian gói bánh chưng hoài niệm Tết xưa,… tất cả được cô gái trẻ Nguyễn Thị Như Quỳnh (36 tuổi, Hà Nội) tái hiện, lưu giữ trong những mô hình đất sét mini.

Bén duyên với bộ môn nặn đất sét được hơn 13 năm, đến nay “gia tài” của chị Quỳnh không dưới 1.000 sản phẩm. Trong những năm gần đây, khi chị “chăm” khoe những đứa con tinh thần của mình lên mạng xã hội, mọi người mới biết đến những tác phẩm này nhiều hơn. Những sản phẩm đất sét của chị rất kỳ công, tỉ mỉ, trong đó, nhiều sản phẩm có kích thước nhỏ vài milimet. Đến nay, sản phẩm có kích thước lớn nhất chị sáng tạo ra là mô hình nàng tiên cá với kích thước từ 60cm đến 70 cm.

Chú thích ảnhBàn thờ gia tiên mang nét hoài niệm xưa được chị tỉ mỉ bày trí từng món đồ mini bằng đất sét.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác những mô hình đất sét mini, chị Quỳnh cho biết,  nó bắt nguồn từ cuộc sống hàng ngày và những ký ức tuổi thơ hồn nhiên, ngây ngô ngày bé. Từ khi theo đuổi bộ môn này, cô gái trẻ trân trọng quá khứ, trân trọng những ngày tháng “vô lo vô nghĩ’ bên ông bà, bố mẹ hơn. Đặc biệt, cô bắt đầu sống “chậm lại”, đi đâu, làm gì cũng tỉ mỉ quan sát, thu nhặt những hình ảnh đời sống để làm phong phú thêm thế giới quan của mình.

Những ngày cuối năm, cũng như nhiều người, chị Quỳnh bị thu hút bởi tiếng nhạc xuân rộn ràng, bởi những món đồ trang trí bắt mắt, hay những món ăn truyền thống ngày Tết,… Cùng với đó, chị cũng cảm nhận được nhịp sống hối hả, tất bật chạy đua với thời gian của mọi người trước thời khắc chuyển giao sang năm mới.

Chú thích ảnhĐôi tay nhỏ nhắn của chị Quỳnh tỉ mỉ tạo hình cho nhân bánh chưng Tết.

Chị Quỳnh bồi hồi nhớ lại hình ảnh cô bé với dáng người nhỏ nhắn, đôi chân thoăn thoắt phụ mẹ nhặt rau, rửa bát, trang hoàng nhà cửa đón Tết,… nhớ những công thức bếp núc gia truyền mẹ thủ thỉ bên tai. Mỗi độ Tết đến Xuân về, những hình ảnh trân quý đó là ùa về trong ký ức của cô gái trẻ. Cô trăn trở muốn gắn kết những con người đang tất bật ngược xuôi trong gia đình với nhau như ngày thơ bé.

“Người trẻ vì khát khao biến trăm ngàn ước mơ thành sự thật mà bận rộn, làm việc ngày đêm, vô tình bỏ lỡ những bữa cơm cùng gia đình. Còn với ông bà, bố mẹ – những người đã trải qua đủ giông bão của cuộc đời, hạnh phúc của họ chỉ là những bữa cơm sum vầy đông đủ con cháu mà thôi. Tôi muốn thông qua những tác phẩm của mình để lan tỏa tình yêu thương đến mọi người, mong rằng dù công việc bận rộn đến đâu mọi người cũng không quên bữa cơm nhỏ, đầm ấm bên ông bà, bố mẹ”, chị Như Quỳnh chia sẻ.

Với chị Quỳnh, Tết cổ truyền là nét đẹp dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã yêu thích những ngày Tết và không khí nô nức, rạo rực muôn nơi.

“Vào dịp Tết, tôi được bố mẹ dẫn đi sắm Tết, được về quê thăm ông bà, họ hàng, không khí Tết ở quê rất đầm ấm. Tôi nhớ nhất là không gian trước sân nhà với chiếc chiếu hoa, với chiếc bàn gỗ đầy ắp nguyên liệu làm bánh chưng, mọi người quây quần bên nhau gói bánh chưng”, chị Quỳnh tâm sự.

Chú thích ảnhMâm cơm gia đình ấm cúng với canh cua, thịt gà luộc, cải xào, đậu rán,… những món ăn dân giã quen thuộc của người Việt.

Trong không gian làm bánh chưng, chị tâm huyết nhào nặn từng món đồ, từng chi tiết nhỏ, thậm chí dùng kính lúp có thể soi được nhân bánh bên trong. Trên chiếc bàn gỗ mộc mạc đặt trên chiếc chiếu hoa đỏ thắm, chị cẩn thận đặt hộp bánh kẹo Tết, những chiếc khuôn gói bánh chưng, lá dong, thịt lợn, nhân đậu xanh,… . Một không gian nhỏ, đầy ắp ký ức, hoài niệm tuổi thơ của bao người.

“Dịp Tết năm nay, tôi chuẩn bị thêm những món ăn cổ truyền của Việt Nam như gà luộc, bánh chưng, những món xào, món nem, thịt đông, thịt kho, canh măng,.. và không thể thiếu mâm ngũ quả, những cành đào”, chị Như Quỳnh chia sẻ.

Để làm được một con gà luộc vàng óng kích thước 4cm, chị Quỳnh dành hơn 1 ngày hoàn thiện tác phẩm, trong đó công đoạn mô phỏng hình dáng và tạo kiểu từng bộ phận đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ. Nhưng với chị, sản phẩm tốn rất nhiều thời gian, công sức phải kể đến cành đào.

Để có một cành đào 5 cánh phai có đường kính tán lá khoảng 10cm, chiều cao 13cm, phải mất 3 tuần miệt mài nặn từng chi tiết thân, cành, nụ, nhụy, hoa, lá,.. Khi thành phẩm, ấn tượng nhất là những bông hoa đào nhỏ li ti, màu hồng phấn, kích thước bông to nhất chỉ khoảng 4mm.

Không chỉ tạo nên những mâm cỗ cúng truyền thống, những cành đào, cành mai trang trí nhà và không gian làm bánh chưng đậm nét xưa, chị Quỳnh còn dành nhiều thời gian, tâm huyết sáng tạo nhiều gian hàng rau củ quả đầy ắp, đẹp mắt; những món ăn sáng quen thuộc với người dân Việt Nam như bánh mì, bún, phở,… . Chỉ riêng một bắp ngô trong gian hàng rau củ, chị tốn 7 tiếng để hoàn thiện, dù vậy, chị cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc khi hoàn thành một sản phẩm.

Nhiều khách đến chơi nhà bày tỏ sự thích thú, mê mẩn với những món đồ chị làm. “Mới đầu đến nhà Quỳnh, tôi thật sự rất bất ngờ, tôi không nghĩ bạn ấy có thể làm ra được những bộ sản phẩm mini bằng đất nặn đẹp mắt như thế. Tôi bị cuốn hút, say sưa ngắm nhìn… Tôi luôn chờ đợi những sản phẩm mới, đẹp hơn Quỳnh sáng tạo nên.” Chị Vũ Thị Oanh, huấn luyện viên Yoga của chị Quỳnh chia sẻ.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *