Hội Gò Đống Đa: Kỷ niệm 235 chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

Hàng năm, vào mùng 5 Tết âm lịch, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa tổ chức Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn. Đây cũng là dịp ôn lại trận đánh hào hùng của dân tộc.

Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ 6h sáng với nhiều nghi thức thiêng liêng theo phong tục lâu đời như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, trình diễn sử thi kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.

Năm 1788, Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Ông đưa ra lời dụ thể hiện ý chí độc lập tự chủ cao độ và tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Với nghệ thuật chuyển quân thần tốc và lối đánh bất ngờ, áp đảo kẻ thù, vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung lãnh đạo quân Tây Sơn đánh vào đồn giặc tại Khương Thượng. Kẻ cầm đầu quân xâm lược nhà Thanh phải tự tử ngay sau đó.

Phần lễ khép lại với lời khẳng định: Thắng lợi vĩ đại này đã đập tan âm mưu xâm lược của nhà Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc. Phần hội tiếp nối với các chương trình nghệ thuật chào mừng của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà Hát Tuồng Việt Nam; các trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, cờ người.

Lễ hội Gò Đống Đa thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương.
Để tiện theo dõi các tiết mục ở sân khấu chính, nhiều người đứng quan sát trên các bậc thang đi lên phía trên Gò.
Lễ hội Gò Đống Đa thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương.

Chị Thu Hằng, người dân sinh sống gần Công viên văn hoá Đống Đa cho biết: “Năm nào mình cũng cho con ra đây vui chơi và giúp bạn nhỏ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc. Năm nay, nhà mình còn có người nhà ở quê ra cùng đi hội Gò nên càng vui”.

Một số gian hàng tò he, đồ chơi trẻ em, đồ ăn vặt,… được bày bán thu hút các bạn nhỏ.

Lần đầu tham gia hội Gò nhân dịp du xuân, bà Thanh Nga (Nguyên Khê, Đông Anh) chia sẻ: “Không khí ở đây rất nhộn nhịp, mọi người đều háo hứng với các tiết mục tái hiện lịch sử. Tôi thấy có cả công an, đội PCCC, trật tự phường nên cũng yên tâm khi tham quan và vui chơi tại đây”.

Nguyên Thùy

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *