Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Tây là tới Đường Lâm, một làng cổ nổi tiếng thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Đây cũng là quê hương của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983).
Từ nhỏ, Nguyễn Tấn Phát đã đam mê mỹ thuật. Đồ chơi của anh hằng ngày là những chiếc bút chì, cành củi khô cho tới mảnh ngói vỡ… nghĩa là, mọi thứ có thể dùng làm dụng cụ để vẽ. Vẽ trên bức tường, vẽ trên bãi đất trống hay một tờ giấy vụn bỏ đi… để thỏa niềm yêu thích hội họa tuổi ấu thơ.
Đường Lâm cổ kính, mảnh đất của nghệ nhân xứ Đoài
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát vốn có truyền thống đam mê mỹ thuật. Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi học hết phổ thông, Phát một lòng theo đuổi hội họa chuyên nghiệp bằng việc thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành hội họa sơn mài. Cùng thời gian này, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi xin làm việc cho một số cửa hàng thủ công, mỹ nghệ có tiếng ở phố cổ Hà Nội, để học hỏi sâu hơn về sơn mài.
Anh Phát còn chịu khó đi nhiều nơi, thậm chí tìm về tận làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường tín, Hà Nội) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu, để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Đến nay, Nguyễn Tấn Phát đã theo đuổi con đường làm nghệ thuật sơn mài được 21 năm.
Nói về sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa thuần Việt nhất. Nó là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Ngoài chất sơn trên bề mặt, sơn mài còn phải cần chất keo dùng công thức có từ nhiều đời xưa. Cũng vì yêu thích sự thuần Việt, nên những chất liệu đặc trưng như vỏ trứng, vỏ dừa, đá ong, gỗ mít… đều được tôi tận dụng như một nét đặc trưng để đưa vào các sản phẩm thủ công của mình. Chất liệu càng chọn lọc, càng kỳ công trong sáng tác, thì tác phẩm ra đời càng có giá trị cao. Bên cạnh đó, tôi còn đưa vào các tác phẩm của mình những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, không đơn giản chỉ là một sản phẩm chứa đựng tinh hoa thẩm mỹ mà còn xen lẫn hồn cốt đất Việt trên từng sản phẩm”.
Anh Phát luôn tâm niệm, phải thổi hồn vào sản phẩm nghệ thuật, cho ra đời những sáng tác độc đáo mà vẫn giữ được tính truyền thống, nhưng lại có nét mới của hiện đại.
Để làm ra một sản phẩm sơn mài của mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: Phần lớn sản phẩm đều được chế tác trên gỗ, như gỗ mít là loại gỗ mang giá trị bản địa. Yêu cầu cơ bản là gỗ không được mối mọt. Sau khi chọn nguyên liệu, ban đầu người chế tác phải hình dung ra bố cục, hình dáng sản phẩm rồi phác thảo trên giấy, gọi là bản vẽ. Sau đó phải chọn được loại đất sét phù sa chuyên dụng làm điêu khắc để nặn hình rồi mới đục, đẽo, chạm, khắc hoa văn. Xong các công đoạn trên, nghệ nhân mang phơi khô một tuần rồi mới đến bước sơn mài, khảm chất liệu, gắn lên vỏ trứng hoặc vỏ trai… tùy theo ý đồ của họa sĩ.
Bước tiếp theo là quét khoảng 10 lớp màu, bước chế tác này là mất nhiều thời gian nhất. Khi quét xong nghệ nhân lại phải để khô trong khoảng một đến hai ngày. Màu cũng phải được chọn mua từ những cửa hàng uy tín chuyên bán nguyên liệu cho người làm sơn mài. Sản phẩm sơn mài sau khi khô lại được đem ra mài tiếp khoảng 2 lần. Lần đầu mài để lộ các loại màu và chất liệu trang trí, sau đó mới dán bạc lên để xuất hiện ánh kim, giúp tác phẩm lấp lánh, bóng bẩy và hút mắt hơn. Có những sản phẩm phù điêu cao cấp còn đòi hỏi dán vàng lên trên, để tăng tính sang trọng và thẩm mỹ, sau khi dán vàng, dán bạc, sản phẩm sẽ được mài lần cuối và đánh bóng để hoàn thành.
Năm 2017, Nguyễn Tấn Phát được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn có giai đoạn thử sức với những tác phẩm điêu khắc và tranh trừu tượng. Ở lĩnh vực này, anh để lại ấn tượng với nét riêng của mình và đã 2 lần đoạt: “Giải Nhất thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội” các năm 2014, 2019; “Giải Khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc” năm 2019… Từ khi làm nghề đến nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý của TP Hà Nội và ở các địa phương, trong đó có thể kể đến các tác phẩm điêu khắc “Gia đình gà” đoạt giải nhất Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 và tượng “Trâu hoa Lạc Việt” năm 2020.
“Có lẽ bởi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm sắc văn hóa quê hương Việt Nam, nên đã mang đến cho tôi nhiều nguồn cảm hứng từ những câu chuyện xa xưa cho tới lối kiến trúc cổ kính. Vì vậy trong mỗi tác phẩm điêu khắc của mình, tôi luôn nhấn mạnh văn hóa xứ Đoài quê hương tôi” – nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự.
Sức sáng tạo không nghỉ của chàng nghệ nhân xứ Đoài
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bộc bạch: “Triết lý của tôi là nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người. Vì vậy, ngoài chức năng trang trí thẩm mỹ, tác phẩm còn phải có công năng ứng dụng thực tế cho người sử dụng. Hai năm trở lại đây, tôi dành thời gian kết hợp sáng tạo với 12 con giáp. Vì đây là những linh vật cổ truyền của dân tộc ta vào mỗi dịp lễ, Tết. Từ đó, văn hóa cũng vì thế mà dễ lan tỏa, tác phẩm cũng sẽ dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với đại chúng”.
Năm nay, dịp Xuân Quý Mão 2023, “Phù thủy sơn mài” (biệt danh của nghệ nhân nguyễn Tấn Phát được người dân địa phương tán thưởng), đã cho ra mắt bộ sưu tập gồm 2023 sản phẩm “chú mèo độc bản”. So với bộ sưu tập 2022 tượng “hổ” được anh Phát thực hiện năm 2022. Bộ sưu tập “chú mèo độc bản” của anh Phát năm nay có phần đa dạng hơn về kiểu dáng với đủ loại kích cỡ lẫn sự nâng cấp về chất liệu.
Đặc biệt hơn cả là bộ sản phẩm mang tên “Bữa tiệc ngày xuân”, được chàng nghệ nhân xứ Đoài lấy ý tưởng từ hình tượng chú mèo và cá đã quá đỗi quen thuộc trong dân gian, cùng 7 sắc cầu vồng, để tạo nên 7 chiếc ghế mèo, với 7 kiểu dáng, kích thước khác nhau. Để giữ được chất độc bản trên từng sản phẩm, thậm chí họa tiết trên mỗi chiếc ghế còn được chàng nghệ nhân xứ Đoài khéo léo đưa vào những bức tranh Đồng Hồ, để tăng giá trị văn hóa và thẩm mỹ.
“Tôi đặt tên cho bộ sản phẩm này là “Bữa tiệc ngày xuân” bởi lẽ, muốn gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi người bước sang năm mới, cùng người thân đón niềm vui đoàn viên bên bữa tiệc đầm ấm, hoan hỉ, sung túc như trong bữa cơm gia đình nhà mèo luôn đầy ắp cá”.
Bên cạnh việc không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao sức sáng tạo cho bản thân mình, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn hào sảng mở những khóa dạy học, đào tạo học viên điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí. Những năm qua, anh Phát đã đào tạo cho gần 200 học viên, từ người địa phương đến người ở các tỉnh, thành trong cả nước đến học nghề. Tuy nhiên, điêu khắc vốn dĩ là một ngành có nhiều hạn chế so với các loại hình làm nghệ thuật khác, đã vậy điêu khắc sơn mài còn tiềm ẩn nhiều yếu tố đặc thù hơn nữa như sức khỏe, tay nghề, trí sáng tạo… Vì vậy, để học viên bền bỉ theo nghề được như anh Phát là chuyện vô cùng khó khăn.
Đối với anh Phát, việc đào tạo học viên miễn phí là để góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp văn hóa của xứ Đoài, của làng cổ Đường Lâm. Du khách đến đây tham quan, sẽ được trải nghiệm phong phú từ những cung đường lát gạch đỏ, những ngôi nhà cổ kính được xây dựng từ đá ong, mà còn có dịp trải nghiệm nghề nghệ thuật điêu khắc sơn mài độc đáo ở xứ Đoài.
Nhận xét về nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, PGS, TS Đặng Mai Anh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Sản phẩm sơn mài của Nguyễn Tấn Phát là tác phẩm sơn mài thủ công truyền thống, mang hồn cốt của dân tộc, như kỹ thuật sơn truyền thống của nước ta vẫn được gìn giữ, từ đó các chất liệu quý của vỏ trai, trứng, màu cánh gián của nghề sơn ta được Phát đưa vào mỗi tác phẩm. Bên cạnh đó, tác phẩm của Phát từ ý nghĩa, tạo hình, chất liệu, không hề bị cũ, mà luôn dành sự tôn vinh cho sáng tạo, sống động mang hơi thở hiện đại, đương đại, đây là điều mà giới trẻ còn rất ít người làm được. Là một họa sĩ trẻ, được đào tạo bài bản và kết hợp với tay nghề, vốn sống của một nghệ nhân, anh là điển hình của thế hệ mới kế tiếp, phát huy bản sắc dân tộc trong những tác phẩm sơn mài hiện đại”.