Người giữ lửa cho nghề tò he truyền thống ở Hà Nội

Nếu như ngày trước người nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, các con vật…. thì ngày nay, các nghệ nhân nặn nhiều hình thù phong phú như nhân vật trong chuyện cổ tích mà trẻ em yêu thích.

Sáng tạo hơn để thích ứng hơn

Tò he – loại hình trò chơi dân gian Việt Nam đậm chất thôn quê ghi vào ào tâm trí mỗi người Việt hình ảnh những người già tỉ mỉ ngồi vo, nặn những tảng chất dẻo màu sắc thành nhiều hình thù dễ thương, gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.

Tuy nhiên, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, nhiều người trẻ có đa dạng trò chơi giải trí hấp dẫn trên internet, thay vì chọn những trò chơi dân gian, truyền thống như tò he, người trẻ có xu hướng muốn đến những nơi đổi mới, hiện đại hơn.

Người giữ lửa cho nghề tò he truyền thống ở Hà Nội - 1Nghệ nhân Đặng Văn Hậu hướng dẫn học sinh nặn tò he

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, người đã có kinh nghiệm 20 năm làm con giống bột tại làng nghề Xuân La, cho biết bản thân đã có nhiều đổi mới sáng tạo về tò he để thích ứng hơn với thời đại. Việc thế giới ngày càng phát triển khiến anh cảm nhận một ngày nào đó nghề làm con giống bột sẽ mai một.

Chính vì vậy, khi nhận thấy nhiều điểm hạn chế của con giống bột, anh đã nghĩ ra cách để kéo dài “tuổi thọ” của những chiếc tò he bền hơn. “Tò he có nhược điểm dễ mốc và không để được lâu dài nên anh đã cho thêm phụ gia vào bột để những con giống trưng bày trang trí lâu hơn và người mua sẽ mang đi bất cứ nơi đâu”, Hậu chỉ ra những nhược điểm của tò he truyền thống.

Người làm tò he bây giờ năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước người ta nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, các con vật…. thì ngày nay, các nghệ nhân còn nặn nhiều hình thù phong phú như những nhân vật trong chuyện cổ tích, truyện tranh mà trẻ em yêu thích như Aladin, Đôremon, Pokémon, Tề Thiên Đại thánh, Trư Bát Giới… cho đến hình ảnh những vị anh hùng dân tộc, hay đèn ông sao, phong cảnh ngày mùa, phong cảnh làng quê truyền thống.

Người giữ lửa cho nghề tò he truyền thống ở Hà Nội - 3

Hiện nay, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã kết hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh với ý tưởng khôi phục các con giống bột đã bị thất truyền. Được sự hỗ trợ từ viện Viễn Đông Bác Cổ, tài liệu từ bảo tàng Pháp của bạn bè nhà nghiên cứu Trịnh Bách gửi về, hành trình khôi phục đã rất thành công.

Nhờ vậy, hiện nay, nhiều con giống bột thất truyền đã được khôi phục như tứ linh dược, lục súc cá vàng tam sư,… được công chúng đón nhận, yêu thích.

Cái nôi tò he nuôi sống cả làng

Mỗi khi được chia sẻ về nghề, ánh mắt Đặng Văn Hậu đều long lanh, ánh lên niềm tự hào và đam mê với nghề. Anh cho biết: “Nghề làm tò he được ông ngoại tôi là nghệ nhân Đặng Văn Hạ dạy cho từ những ngày bé. Thời ấy cả làng còn đói kém, thiếu thốn, chính nghề làm tò he cùng với sự nhiệt huyết, chăm chỉ kết hợp với đôi bàn tay khéo léo đã giúp cho cả làng La Xuyên có cuộc sống ổn định và ấm no hơn”.

Hậu kể rằng anh có thể nói về tò he cả ngày mà không biết chán, với anh, chúng không chỉ là những con tò he đơn thuần mà đằng sau đó ẩn chứa cả chiều dài lịch sử. Chính vì vậy, con giống bột của làng nghề Xuân La rất đa dạng với các mẫu mã như 12 con giáp, Tứ phủ thánh cô, Tứ phủ thánh cậu, mâm ngũ quả, công, phượng,…

Người giữ lửa cho nghề tò he truyền thống ở Hà Nội - 4

Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không có khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá… vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là “đồ chơi chim cò”.

Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.

Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Sản phẩm tò he là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em và cũng là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam. Chính nhờ nét độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ mà sản phẩm tò he làng Xuân La đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều nước trên thế giới và đã tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *