Khoảnh khắc giao mùa làm cho đất trời vạn vật thay đổi như được khoác trên mình màu áo mới. Cây cối đâm chồi, nảy lộc. Những nhánh hoa đào, hoa mai, hoa cúc vạn thọ nở… báo hiệu một mùa xuân sắp về, khiến lòng người rạo rực, chờ mong năm mới. Năm mới đến gắn liền với Tết – cái Tết cổ truyền của dân tộc. Dù xưa hay nay, Tết Nguyên Đán vẫn là ngày lễ trọng trong tâm thức của người Việt.
Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.
Những cái Tết thời bao cấp mới cách đây hơn 20 năm thôi, còn in đậm trong trí nhớ của nhiều người, nhưng đối với thế hệ 8X, 9X thì vô cùng lạ lùng khi nghe kể lại. Ngày đó, nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất dù cho phải ăn bo bo, nước ruốc… Những năm khó khăn, khi xã hội kinh tế chưa phát triển, nhưng được nhà nước ưu ái cho những tình cảm giản đơn, bằng tem phiếu nhưng nhà nào cũng có mứt, có bánh, có rượu và cả pháo nữa, cố gắng lắm thì sắm sửa được nhiều hơn.Trên bàn thờ phải có hoa, nải chuối, bánh chưng, bánh tét. Đây không chỉ là một món ăn mà là hồn vía Tết. Tết phải có đĩa bánh, mứt, kẹo để tiếp khách, phải có cành mai, cành đào cắm trong nhà.
Những người Hà Nội sành điệu còn chọn mua một giỏ thủy tiên để hãm cho hoa nở đúng đêm giao thừa. Người ta sắm những mâm ngũ quả đầy màu sắc với mong muốn có được cuộc sống no đủ, sung túc. Có thể nói đây là nét đẹp của lối sống con người hòa đồng với thiên nhiên. Ngày Tết, thiên nhiên như ùa vào từng căn nhà đem lại cho con người một tình cảm gắn bó. Người ta đi mua tranh, mua câu đối Tết để trang trí trong nhà. Đó là những bức tranh Đông Hồ với hình ảnh những chú lợn bụ bẫm, những chú trâu khỏe mạnh, những con gà mái với đàn con ríu rít… rồi hình ảnh ông đồ ngồi viết thuê câu đối.
Để thông quan với thần linh và xua đuổi tà ma, người Việt đã dựng ở ngoài sân cây Nêu. Ngoài ra, vào dịp Tết, người Việt còn mua trầu cau để cầu may; trong mấy ngày Tết trong nhà luôn luôn có lửa, có đèn sáng, hương khói liên tục; xem chân gà để cầu mong được những thông tin tốt lành của năm mới.
Với nhiều dân tộc trên thế giới, nước là biểu tượng cho sự sống, là nguồn lực khởi thủy của sự sinh sôi nảy nở và đồng thời là phương tiện tẩy uế. Trưa 30 Tết, ở tất cả các gia đình người Việt đều có nồi nước thơm (với hoa mùi già, lá hương nhu, lá chanh, lá bưởi…) để tẩy trần. Chiều 30 Tết, nhà nào nhà nấy đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm cho ba ngày Tết. Nhà nào cũng hân hoan, người gói bánh, người làm mứt, người lo sắp dọn nhà cửa… mọi người tắm rửa rồi ăn cơm tất niên, công việc đó được coi như một nghi lễ của ngày cuối năm. Cái mùi thơm của những trái bồ kết, lá hương nhu, lá chanh dùng để đun nước gội đầu và tắm rửa… đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức.
Ý nghĩa thiêng liêng của lễ giao thừa là cầu phúc. Người ta tin và hy vọng năm mới bắt đầu một chu kỳ mới sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vì vậy phải “tống cựu nghênh tân”, phải tạ lễ thần linh. Đúng vào lúc giao thừa, tiếng pháo rộn ràng chào đón năm mới trong khói hương nghi ngút linh thiêng, đèn nến sáng khắp mọi nhà. Người ta “xuất hành”, đi “hái lộc”, “xông đất” để mong được điều tốt lành. Ngày nay, ở các thành phố lớn, người ta còn bắn pháo hoa để đón giao thừa. Những chùm pháo hoa đầy màu sắc chiếu sáng bầu trời đêm 30 Tết.
Ba ngày Tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý, bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
Có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Nhưng ngày nay thì trình tự đó trở nên lộn xộn, gặp đâu thăm đó, ai thân thì thăm, còn không thì thôi, kể cả bà con. Khi đến thăm họ hàng, bạn bè, người ta thường chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu, hạnh phúc và may mắn gọi là “mừng tuổi”, “lì xì”.
Ngày Tết thường có nhiều trò vui đặc biệt như đá gà, chơi cờ, hội chợ, đua thuyền, đánh bài, xem bói … Những lễ tục phiền toái, lãng phí xa hoa, tốn kém thời giờ và tiền của, hoặc mang tính chất mê tín, dị đoan, những trò chơi đỏ đen có tính chất ăn thua, đều được loại bỏ và xa dần.
Tết xưa là Tết theo quan niệm cũ, khi kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Khi đó người ta có quan niệm Tết là “ăn Tết”, chứ không phải “nghỉ Tết” như hiện nay. Người ta dành những gì ngon nhất, tốt nhất như thịt lợn, thịt gà, trái cây, quần áo mới… cho những ngày Tết. Dù nghèo đến đâu cũng phải cũng phải sắm được một mâm cỗ để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về cùng ăn Tết với con cháu. Truyền thống Tết khắc sâu trong tâm thức người Việt cho đến tận bây giờ, tết là những ngày thiêng liêng để mừng tuổi cha mẹ, ông bà, là những ngày thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên.
Tết ngày nay đơn giản quá, cần thứ gì chỉ việc ra chợ, vào siêu thị mua là có ngay, những phong tục ngày Tết cũng dần dần mất đi. Không còn cái không khí nấu bánh chưng bánh tét ở mỗi gia đình nữa bởi bây giờ thứ gì cũng có sẵn, được làm sẵn. Con người cũng trở nên thay đổi hơn, không còn bận rộn với ngày Tết nữa.
Tết nay qua bao biến thiên của thời đại, theo dòng chảy của thời gian, quan niệm về Tết hình như thay đổi nhiều. Nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, được đáp ứng ngay khi có tiền, chứ không đợi đến Tết. Điểm thay đổi dễ thấy nhất là sự khác nhau giữa “ăn Tết” và “nghỉ Tết”. Còn nói chung, về cơ bản Tết cổ truyền vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tết vẫn là dịp để gia đình đoàn tụ, để người thân thăm viếng lẫn nhau. Không khí Tết ngày nay so với ngày xưa giảm đi ý nghĩa nhiều, nhưng Tết cổ truyền vẫn là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Quan niệm đó sẽ phụ thuộc theo từng suy nghĩ và nhận thức của mỗi chúng ta.
Cho dù gì đi nữa, ngày Tết vẫn là ngày thiêng liêng nhất, cao quý nhất để chúng ta thể hiện tình cảm của con người với con người, của con người với người thân, bạn bè và những người đã khuất. Mong rằng những thế hệ sau cho dù giàu có, đầy đủ tiện nghi, công nghệ hiện đại, nhưng đừng quên ngày Tết cổ truyền mà cha ông ta đã xây dựng qua bao đời, là nét đẹp được chắt lọc qua hàng ngàn thế hệ lưu truyền cho đến ngày nay.
Bồ công anh