Tình yêu với điêu khắc sơn mài của anh xuất phát từ truyền thống gia đình hay có sự kiện nào đó đã thay đổi góc nhìn và suy nghĩ của anh khiến anh đam mê nghệ thuật này?
Thực ra là cả 2 yếu tố. Tôi thích sơn mài từ bé một phần do môi trường gia đình. Ông tôi là nghệ nhân và bố tôi là người đam mê, am hiểu nghệ thuật. Hơn nữa, lớn lên trong cái nôi văn hóa dân gian xứ Đoài, tôi dần yêu những nét đẹp truyền thống ở đây. Cứ thế, tôi trở nên say mê những nơi có đình chùa đẹp, nổi tiếng như “cầu Nam, chùa Bắc, đình Hoài”.
Sau này, khi bạn bè tôi lựa chọn học một số ngành nghề theo xu hướng như đồ họa, nội thất, tôi lại chọn một lối đi truyền thống hơn, đó là ngành sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nhưng thay vì phát triển bản thân theo con đường vẽ tranh sơn mài đơn thuần, tôi muốn thử sức chính mình ở khía cạnh khác – làm đồ vật điêu khắc kết hợp sơn mài. Tôi nghĩ sơn mài trên gỗ là một hướng đi riêng, nơi chất họa sĩ và chất nghệ nhân đều có cơ hội tỏa sáng.
Trong quá trình học, mọi người có thể chán nhưng tôi vẫn cảm thấy thích. Từ cuối năm nhất đại học, tôi đã kiếm được tiền bằng cách làm ra những sản phẩm thủ công. Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ, dễ làm với vốn ít, dần dần tôi mở rộng phạm vi thực hiện và làm đa dạng thể loại hơn.
Khi mới vào nghề, anh tiếp cận những bước đầu tiên này từ đâu?
Chủ yếu tôi học trong trường vì trường dạy từ những điều rất cơ bản. Chỉ có điều, nếu chỉ học trong trường thôi thì không đủ bởi vì nhiều khi lý thuyết xa rời thực tế. Để trở nên tốt hơn, bản thân vẫn cần đi trải nghiệm ở bên ngoài.
Thực tế, có nhiều người đi theo khuôn mẫu cũ là học theo một người đã thành đạt, chấp nhận đi làm thợ trong một quãng thời gian để tay nghề vững vàng hơn. Còn tôi vốn là người thích tự tìm hiểu, tôi tự mình tìm đến nhiều làng nghề và cơ sở làm nghề thủ công như điêu khắc, chạm bạc,… để quan sát và mày mò học hỏi. Từ đó, góc nhìn của tôi về nghệ thuật trở nên ngày càng phong phú.
Có thể điều này sẽ khiến quá trình thành công của tôi chậm hơn những người khác nhưng về sau, mọi người có thể thấy sản phẩm của tôi không bị ảnh hưởng bởi ai và chúng đều có dấu ấn cá nhân.
Các tác phẩm của anh thường về cái gì?
Với mỗi tác phẩm, tôi đều thực hiện theo chủ đề. Thời gian đầu, tôi thường làm chủ đề Phật giáo và văn hóa dân gian. Đôi khi ý tưởng lại thành hình dựa trên tâm sự hay tâm trạng bất chợt xuất hiện.
Những năm gần đây, tôi tập trung nhiều hơn về mảng 12 con giáp. Lối đi này gần gũi với cuộc sống hơn khi nó chạm được đến nhu cầu tinh thần của xã hội. Hơn nữa, tôi mong muốn đem đến cho những sản phẩm này một sức sống mới.
Nếu như thời gian trước, có nhiều nghệ sĩ làm về chủ đề này theo hướng truyền thống, tức là tái hiện y nguyên mẫu với dáng hình thật thì tôi lựa chọn cách điệu chúng, biến chúng trở nên “vuông thành sắc cạnh”, hiện đại và phù hợp với nội thất. Bằng cách này, tôi có thể đưa được nhiều giá trị văn hóa vào từng sản phẩm.
Hiện tại, tôi đang làm hai phần việc: vừa là nhà điêu khắc, vừa là nghệ sĩ sơn mài. Khi chu trình làm ra sản phẩm khép kín và thống nhất, đồ vật được tạo ra sẽ trở nên có hồn hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm của tôi mang tính độc bản nên chúng có thể khơi gợi người xem sự hứng thú, không cảm thấy bị nhàm chán.
Những bộ sưu tập mang hình tượng 12 con giáp của anh nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng. Mỗi tác phẩm mà anh làm ra đều là độc bản và chúng đều mang trên mình một dấu mốc, một cuộc đời riêng. Anh hãy chia sẻ đôi điều về bộ sưu tập tạo tác lần này?
Bộ sưu tập được gọi là “tạo tác” vì chúng bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: tranh phù điêu, tượng, sản phẩm ứng dụng,… Ngoài tính mỹ thuật, các tác phẩm đều đòi hỏi cả tính kỹ thuật.
Năm nay, tôi thực hiện bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng tiên, hình tượng “Rồng” gắn chặt với hình tượng “Tiên” theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Đây là hình ảnh thường dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý kêu gọi sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Trong bộ sưu tập năm nay, sản phẩm nào để lại nhiều kỷ niệm nhất với anh?
Tôi ấn tượng nhất là bộ ghế rồng. Chiếc ghế được sáng tạo dựa trên hình tượng rồng thời Lý và thuyết “lão long huấn tử” lưu giữ trên bức phù điêu hàng trăm năm tuổi ở đình làng Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm.
Hình tượng con rồng thường xuất hiện trong văn hoá truyền thống và mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, rồng thời Lý được biết tới với hình tượng thuần Việt, thể hiện rõ bản sắc dân tộc. Đây là một trong những điều làm nên sự đặc biệt và là cảm hứng để tôi sáng tạo ra bộ sưu tập.
Còn bức phù điêu tại đình làng Mông Phụ vốn nổi bật với hình ảnh rồng già một tay cầm bút, một tay cầm sách dạy rồng con đang cầm quả tú cầu. Tôi vừa muốn kể một câu chuyện mang tính bản địa của Đường Lâm, vừa muốn truyền tải thông điệp về sự kế thừa những giá trị tốt đẹp giữa các thế hệ.
Để chuẩn bị cho bộ sưu tập này, tôi đã mất hai năm để ấp ủ ý tưởng và thực hiện. Tất cả đều do tôi tự mình hoàn chỉnh từng bản thiết kế và chạm khắc sản phẩm.
Hình tượng rồng cũng xuất hiện trong văn hóa một số quốc gia khác. Vậy rồng Việt Nam có điểm gì khác so với rồng của họ?
Rồng là sự vật không có thật, chúng được xây dựng dựa trên ước vọng, và trí tưởng tượng của con người. Chính vì vậy, chúng sẽ phản ánh đúng tư duy, và lối sống của xã hội đó.
Với một số quốc gia, nền văn minh của họ bắt đầu sớm hơn chúng ta. Thời điểm đầu, con rồng của họ cũng được khắc họa với các nét hiền. Về sau, đồng hành với sự phát triển của đất nước, hình tượng rồng bắt đầu xuất hiện các nét tinh xảo hơn, thể hiện sự uy quyền và hung hăng.
Rồng Việt Nam có nhiều nét tròn hơn rồng của một vài nước. Ví dụ, móng vuốt và sừng của rồng Việt sẽ ngắn và có kích thước vừa phải. Khởi điểm xưa, rồng của nước ta cũng có sự hiền lành, nhẹ nhàng giống con giun đất nhưng theo thời gian, hình tượng được điểm phá thêm nhiều đường nét mới. Từ đó, hình tượng rồng của nước ta cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Tiêu biểu như rồng thời Trần đã có nhiều thay đổi vượt bậc để trông dữ dằn hơn so với trước.
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân cần “khắc cốt ghi tâm” điều gì?
Làm nghề thủ công, đặc biệt là thiên hướng về văn hóa truyền thống như này thì điều cơ bản nhất chính là người nghệ nhân phải có tình yêu với cội nguồn. Khi làm, ta phải đặt giá trị văn hóa truyền thống lên trên thương mại thì mới thành công được.
Tất cả những sản phẩm ở đây, tôi xác định chúng ra đời để mang một thông điệp chứ không làm theo đơn đặt hàng có sẵn. Đây có thể vừa là lợi thế, cũng là thiệt thòi. Lợi ở chỗ tôi có thể thỏa sức sáng tạo, song, bản thân sẽ dễ bị đọng vốn do phạm vi đối tượng khách hàng tương đối hẹp.
Vậy hoạt động sáng tạo như thế trong một thời gian dài, có bao giờ anh cảm thấy bản thân muốn dừng lại không?
Hiện tại thì chưa. Nghiên cứu về độ tuổi sáng tạo của con người, tôi biết bản thân vẫn còn đang ở ngưỡng đấy, nên tôi chưa cho phép mình dừng lại mà phải tiếp tục theo đuổi.
Từ cảm quan của bản thân, anh cảm thấy điều gì đã tạo nên sự thành công của mình?
Thực ra, đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, mình muốn làm gì thì điều đầu tiên là phải xuất phát từ tình yêu. Mình phải yêu thích việc mình làm. Sau đó, bản thân phải không ngừng chăm chỉ. Kết hợp hai yếu tố đó, cơ hội sẽ đến. Đó cũng chính là triết lý của tôi.
Ngoài đam mê sáng tạo, anh còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng cách chia sẻ kiến thức và kỹ năng qua các lớp học. Anh có thể cho biết thêm về những lớp dạy nghề hiện được tổ chức không?
Để rạch ròi hơn, tôi đang mở các lớp học miễn phí dưới hai hình thức là lớp học trải nghiệm và lớp truyền nghề. Các lớp học đều được tổ chức tại xưởng của tôi.
Với lớp trải nghiệm, phần lớn người tham gia là khách du lịch. Họ có thể đăng ký làm các hoạt động như tô tượng sơn mài, tranh in khắc gỗ, làm gốm. Trong đó, sơn mài khá phức tạp, đòi hỏi du khách cần có sự khéo léo và có sở thích với môn này. Mặt khác, tranh in khắc gỗ và làm gốm là 2 môn nghệ thuật có phần dễ dàng hơn để trải nghiệm, chỉ cần có một chút hướng dẫn thì một đứa bé cũng có thể bắt tay vào làm. Một buổi học như vậy sẽ diễn ra trong khoảng hai tiếng.
Còn về lớp truyền nghề, đối tượng để được nhận vào lớp truyền nghề này là những người có lòng đam mê với nghề. Số lượng người thực sự mong muốn tham gia và theo đuổi lâu dài khá ít, chỉ lác đác khoảng 5 người mỗi đợt. Để học viên có thể làm ra được một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh cần trải qua 2 tháng đào tạo, mỗi tuần dành ra khoảng 3 buổi để thực hành. Đến cuối cùng, trừ những người bỏ cuộc, những người còn lại đều có thể làm sơn mài ở mức cơ bản.
Sau những thành quả gặt hái được, anh có những dự định gì trong tương lai của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực phát huy nghệ thuật điêu khắc sơn mài?
Trong tương lai, tôi có dự định phát triển bản thân theo hướng quản lý và lý luận. Tôi cũng có mong muốn tổ chức thêm nhiều hoạt động và các lớp trải nghiệm tại các trường Đại học.
Điều này không có nghĩa là tôi sẽ rời bỏ sơn mài, hay tự nhận là “bước” lên tầm cao hơn. Tôi cho rằng, đây là một hình thức truyền bá sơn mài tới mọi người hiệu quả và đúng nghĩa hơn, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Với sự năng động của các bạn trẻ, những tác phẩm điêu khắc sơn mài của tôi nói riêng và những văn hóa truyền thống dân tộc nói chung chắc chắn sẽ ngày càng được lan tỏa. Công chúng sẽ được tiếp cận chúng tốt hơn, theo một cách rất riêng, tôi tin là vậy.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này!