Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của Việt Nam, song ở mỗi vùng miền đều có những hình thức ăn Tết khác nhau. Giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng… Bản sắc vùng miền hiện lên rất rõ trong từng cung cách ăn mặc hay vui chơi ngày Tết.
Bánh chưng – món bánh thể hiện lòng biết ơn của con cháu với cha ông và đất trời – lâu nay đã có vị trí thật đặc biệt trong tâm thức người Việt Nam. Từ xưa tới nay, chiếc bánh truyền thống ngày Tết này đã có biết bao thay đổi qua mỗi vùng miền từ hương vị tới hình dáng và cách thức chế biến.
Miền Bắc – Bánh chưng:
Nhắc tới Tết miền Bắc, đầu tiên là món bánh chưng, bánh giầy. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt phía Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng là bánh giầy, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt.
Gạo nếp gói bánh chưng ưu tiên chọn nếp cái hoa vàng bởi hạt đều, bóng đẹp, dẻo thơm. Nếu không có nếp cái hoa vàng có thể chọn mua nếp nhung, nếp ngỗng, nếp nương Điện Biên cũng được vì hương thơm tự nhiên, dẻo mềm. Cách chọn gạo nếp ngon là có màu trắng đục, hạt tròn đều, bóng mẩy, thơm mùi lúa nếp mới.
Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn lọc rất kỹ, là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy. Sau khi vỡ đỗ, người làm bánh ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo và hấp chín. Thịt lợn phải là loại nạc vai, dính chút mỡ để tạo vị béo ngậy, nhấn nhá thêm vị cay và thơm nồng của tiêu hột xay.
Miền Trung, miền Nam – Bánh tét:
Ở miền Trung và miền Nam, ngày Tết gói bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như nhụy hoa. Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng. Là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa.
Dù tên gọi ở mỗi vùng miền có khác nhau song bánh chưng vẫn rất được người dân Việt Nam nói riêng và du khách quốc tế nói chung ưa chuộng. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, các nghệ nhân làm bánh đã sáng tạo thêm nhiều loại nhân bánh khác nhau, mang đến sự mới lạ trong trải nghiệm ẩm thực mà vẫn giữ được giá trị tryền thống của ông cha: bánh chưng có rất nhiều loại như: bánh chưng chay không nhân, bánh chưng mặn, bánh chưng ngọt và bánh chưng nhân thập cẩm…
Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần càng no đủ, tươm tất, mâm cỗ ngày Tết của người Việt càng trở nên phong phú, hấp dẫn. Thế nhưng, bánh chưng vẫn là một món bánh cổ truyền không thể thiếu. Hơn cả một món ăn thông thường, bánh chưng là bản sắc văn hóa, là nét đẹp ẩm thực, là văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đó còn là tình yêu thương, gắn kết giữa cho người với con người được truyền tụng từ quá khứ đến hiện tại và mãi mãi về sau.
Trần Hiền