Nếu đã từng đi du lịch Hà Nội, bạn chắc hẳn đã nghe qua địa danh chùa Hà nổi tiếng linh thiêng về việc cầu duyên. Ngôi chùa này được xây vào thời vua Lý Thánh Tông và là điểm đến thu hút đông đảo bạn trẻ ghé tới cầu duyên dịp Tết Nguyên đán.
Về lịch sử của chùa Hà linh thiêng, người dân địa phương đã truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện bí ẩn. Trong đó, có hai tích xưa liên quan đến triều đại nhà Lý và nhà Lê.
Truyền thuyết đầu tiên kể lại rằng, chùa Hà được xây dựng vào năm 1460 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Chùa được xây dựng với mục đích ghi nhớ công lao và bày tỏ lòng biết ơn của vua đến các vị đại thần như Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Nguyễn Xí có công bảo vệ, giúp ông lên ngôi.
Truyền thuyết thứ hai liên quan đến triều đại nhà Lý. Tương truyền rằng, vào thời vua Lý Nhân Tông, ông đã phải đích thân vi hành đến chùa Chúa Thánh nhằm cầu tự, mong có được người con trai nối dõi tông đường vì đã 42 tuổi nhưng vẫn chưa có ai để kế nghiệp. Khi trở về, nhà vua đã ghé vào thắp nhang, ban lộc tại chùa Hà để ngôi chùa có thể trùng tu khang trang hơn. Từ đó, chùa cũng có tên chữ là Thánh Đức Tự.
Trải qua biết bao thăng trầm, chùa Hà đã hứng chịu sự phá hủy nặng nề từ chiến tranh và trùng tu lại khá nhiều lần. Đến thời vua Lê Hy Tông, chùa Hà được một gia đình thương nhân quê tại Bắc Giang phát công đức một số tiền lớn để sửa sang lại cho thêm khang trang bằng gạch ngói.
Theo nhiều kinh nghiệm của người đi trước, thời gian lý tưởng nhất để bạn tới chùa Hà mỗi ngày là vào buổi sáng. Càng về chiều, chùa càng thêm đông đúc vì có rất nhiều người đến đây dâng lễ, cầu duyên. Vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, chùa Hà sẽ mở cửa trễ hơn 18 giờ chiều để mọi người thuận tiện tới đây dâng lễ. Tuy nhiên, vào những ngày này thì chùa Hà rất đông đúc. Vì thế, bạn có thể cân nhắc lựa chọn dâng lễ vào ngày nào vắng vẻ hơn cho thoải mái cũng như có thêm nhiều thời gian cầu khấn.
Trình tự thắp hương, dâng lễ cũng là điều mà bạn phải biết khi đi cầu duyên ở chùa Hà. Sau khi đến chùa, bạn hãy bắt đầu xếp lễ tại gian thờ chính và dâng lên từng ban. Trong đó, ban Tam Bảo và ban Đức Ông đều được đặt ở gian thờ chính. Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thì nằm ở Điện Mẫu.
Sau khi dâng lễ xong, bạn sẽ tiến hành thắp hương trước khi khấn với thứ tự: 1 nén ở ban thờ Đức Ông, 1 nén ở ban thờ Tam Bảo, 1 nén ở ban thờ Thánh Hiền, 1 nén ở ban thờ Mẫu. Khi tiến hành thắp hương, bạn đồng thời khấn lễ. Ở mỗi ban sẽ linh ứng cho một việc cầu xin khác nhau như ban Đức Ông thì cầu xin công danh tài lộc, ban Tam Bảo khấn cầu bình an cho gia đình, bản thân… Tiếp đến là vái lạy hai Đức Hộ Pháp và các vị Thập Nhị Diêm Vương ở hai bên.
Sau khi đã hoàn thành các nghi lễ ở gian chính, bạn đi đến ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu để dâng sớ cầu tình duyên. Bạn có thể học thuộc hoặc cầm bài khấn để đọc nhưng luôn phải giữ phong thái nghiêm túc, thành tâm. Sau khi hành lễ thì hóa sớ, tiền vàng và vái ban Ngũ Hổ các Quan Âm Dinh, ban thờ Sư Tổ, ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cuối cùng thì đi ra bên ngoài vái 3 vái với hai vị trông coi cổng chùa.
Nếu bạn đang cô đơn lẻ bóng và muốn kiếm tìm một người thương ở cạnh, hãy để chùa Hà giúp con đường tình duyên của bạn thêm suôn sẻ. Để việc cầu duyên thêm thuận lợi, đạt được như ý nguyện.
Nguyên Thùy