Gửi Tết
Từ đầu tháng Chạp các con thứ thường lo chuẩn bị quà để gửi lễ tại nhà trưởng, bởi ở đó là nơi đặt bàn thờ tổ tiên.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (32 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết do nhà anh là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nên trước giao thừa mọi người mang quà đến gửi cỗ cúng. Đồ lễ bao gồm gà, bánh kẹo, hoa quả, vàng hương. Khi anh em mang quà đến, gia chủ nhận và bày lên bàn thờ tổ tiên.
Sách “Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay” do Bùi Xuân Mỹ biên soạn ghi lại tục gửi Tết như sau: Con cái trong gia đình đã lớn ra ở riêng hết thì Tết đến phải quy tụ về nhà con trưởng, người chịu trách nhiệm cúng bái tổ tiên thay mặt cả nhà. Vì vậy có tục lệ là từ con thứ trở xuống, Tết phải gửi lễ hoặc gửi cỗ cúng tới nhà anh cả. Đồ lễ gồm: gà, hoa quả, vàng hương. Ngành trực thống gửi vàng hoa (vàng thoi làm bằng giấy màu vàng), ngành khác gửi vàng hồ, vàng lá.
Gửi Tết là hành động vừa giúp anh trưởng đỡ nặng nề tốn phí, vừa nhận rõ trách nhiệm đạo lý với tổ tiên.
Biếu Tết
Năm nào cũng vậy, cứ bước sang trung tuần tháng Chạp anh Bùi Văn Thành (36 tuổi, Hà Nam) lại tỉ mẩn chuẩn bị những hộp quà đầy màu sắc để biếu người thân.
Trong năm có những người họ hàng, bạn bè, người quen giúp đỡ mình việc này việc khác, nhờ lòng tốt của họ mà mình được việc, thì nhân dịp Tết mình đem quà đến biếu để tỏ lòng biết ơn chuyện đối xử tốt với nhau. Thường thì người dưới biếu người trên để cảm ơn sự giúp đỡ, học trò tết Thầy để cảm tạ sự dìu dắt, giáo dân tết cha đạo, người bệnh tết thầy thuốc, con rể biếu tết bố mẹ vợ…
Anh Thành cho biết quà Tết chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu ở tấm lòng chân thành. Vậy nên ở quê quà biếu thường chỉ là con gà, chai rượu, gói chè, chục trứng, hoa quả, đỗ xanh, gạo nếp, cân giò…; ở phố thị người ta biếu nhau hộp bánh, mứt tết, chai rượu vang…
Phong tục biếu Tết là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, sách “Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay” do Bùi Xuân Mỹ biên soạn ghi rằng ngày thường những bạn bè thân thích, những người quen biết giúp đỡ mình việc này việc khác, do lòng tốt của họ mà mình được việc, nay nhân Tết đến cũng phải lo, gọi là có chút quà Tết để tỏ lòng biết ơn chuyện đối xử tốt với nhau. Quà biếu chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tấm lòng chân thành mới thật đáng kể trong việc trả ơn.
Trong dân gian đây đó còn có thêm lệ đi Tết, những nhà nghèo, Tết đến chẳng có tiền để trả cho chủ nợ, không trả được thì phải mang lễ đến biếu chủ nợ vào dịp Tết. Thật ra gọi là đi Tết, nhưng thực chất đó là một khoản trả nợ, mà không được tính đến. Đi Tết là xin khất thêm với chủ nợ một hạn nữa, mong chủ nợ rộng lòng cho.
Như vậy các tục lệ gửi Tết, biếu Tết vốn đã có từ lâu trong văn hóa Việt Nam, nó xuất phát từ sự tri ân những người đã giúp đỡ mình, với tổ tiên đã sinh thành ra mình. Nhưng trong xã hội hiện nay, đây đó có hiện tượng lợi dụng những tục lệ này để thực hiện những hành vi hối lộ, biếu xén, đút lót… Những hành vi này cần phải loại bỏ, hãy để những tục lệ cổ xưa giữ nguyên giá trị tốt đẹp mà nó vốn có.
Lý Viết Trường