Độc đáo lễ hội “Thánh trả ơn Phật”

Với giá trị và ý nghĩa độc đáo, lễ hội Y Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015.

Lễ hội Y Sơn hay còn có các tên gọi khác là Hội IA, Phu nhân thánh mẫu. Lễ hội Y Sơn thường được diễn ra trong vòng 2 – 3 ngày. Theo thông lệ, cứ 5 năm, chùa lại mở hội lớn một lần, vào ngày 15 – 17 tháng Giêng âm lịch. Hội IA được coi là một lễ hội đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và độc đáo về nghệ thuật.

Năm 2024, lễ hội Y Sơn được diễn ra với quy mô lớn, do huyện Hiệp Hòa đứng ra tổ chức

Truyền tích Đức thánh Hùng Linh Công 

Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Y Sơn gắn với huyện thoại về Đức thánh Hùng Linh Công, nằm trên núi Ia thuộc xã Hòa Sơn – dải đất trung du, miền núi ở phía Tây của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Quần thể Di tích này bao gồm: Đền Hạ, Đền Thượng, Giếng Tiên, Chùa.

Dựa theo cuốn “Ngọc phả quốc lục” về “Y Sơn linh tích” còn lưu giữ tại Đền Y Sơn, do Viện hàn lâm đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bỉnh phụng soạn niên hiệu Hồng Phúc, Hùng Linh Công chính là con trai của ông Hùng Nhạc, là cháu ruột Hùng Vương thứ VI, đã có công đánh tan giặc Ân xâm lược. Ngài được song thân phụ mẫu cầu tự, cầu phúc được tại chùa Y Sơn.

Lớn lên Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú, kỳ tài. Lúc bấy giờ, lang thú hoành hành quấy phá, giặc Ân sang xâm lược nước ta, nhân dân đói khổ. Theo lệnh chỉ nhà vua, Hùng Linh Công đi dẹp loạn lang thú lại cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân bảo vệ đất nước. Ghi nhớ công ơn, nhân dân địa phương xây dựng đền Y Sơn, thờ Hùng Linh Công và Thánh Phụ, Thánh Mẫu (cha mẹ Hùng Linh Công) tại chùa này.

Những nghi lễ mang dấu đặc trưng, riêng biệt 

Cũng tại lễ hội Y Sơn, nhiều phong tục, nghi lễ mang nét độc đáo, đặc trưng riêng biệt như: Lễ rước kiệu truyền thống từ đền sang chùa Y Sơn, lễ “cuốn quân tập trận”, lễ “kéo chữ”, lễ “tướng quản”,…

Ông Hoàng Đến – đại diện hội cao niên xã Hòa Sơn cho biết: “Bông giò chính là lộc phật, lộc thánh của lễ hội Y Sơn. Tục truyền rằng, ở đâu cũng có lộc phật, lộc trời nhưng không bằng một nhánh lộc rơi chùa này. Cũng từ những ý nghĩa tâm linh đó, chuyện xưa còn kể rằng, nếu ai mà đi trẩy hội IA khi về không có một bông giò cầm tay thì người đó chưa phải đã đến lễ hội chùa Ia”.

Bà Hoàng Thị Bồi – người hướng dẫn đoàn tướng quản làm nghi lễ cho hay: “Tướng quản là một trong những nghi lễ độc đáo nhất trong cả nước. Đi chùa nhiều hay xem trên truyền hình chưa thấy có nơi nào có nghi lễ tướng quản này. Trước kia là 3 năm một lần lễ hội lớn, nhưng đến bây giờ là 5 năm một lần, lễ hội lớn đều có tướng quản”.

Cũng theo bà Hoàng Thị Bồi, các tướng và quản được chọn là những em học sinh trong độ tuổi cấp hai, đáp ứng được tiêu chí “sắc vụ tinh hoa”, “y mạo đoan nghiêm”. Trong đoàn tướng quản, có 3 nam quản tượng và 9 nữ tướng. Trước ngày lễ, các tướng và quản đều phải luyện tập các nghi thức và thao tác khi vào lễ.

Thầy Nguyễn Văn Dương – giáo viên trường THCS Hòa Sơn chia sẻ: “Đã nhiều năm tham gia lễ hội, song năm nay tôi thấy lễ hội được tổ chức quy mô, hoành tráng, mang lại niềm hân hoan rất lớn cho nhân dân”. Người con gốc Hòa Sơn cũng kỳ vọng lễ hội sẽ quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách thập phương. Đồng thời, mang lại tâm thế mới cho quê nhà.

Du khách thập phương vui hội đầu xuân với những trò chơi dân gian

Ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền, hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê (con dê thật), nhảy phỗng, bắt vịt, đấu vật,… Cùng với đó là nhiều màn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao khác níu chân du khách thưởng lãm.

Nguyên Thùy

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *