Sáng 23/2 (tức 14 tháng Giêng), UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2024 tại Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đền Hạ, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Cắt băng khai lễ
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) Đỗ Mạnh Hưng cho biết, năm nay là năm thứ 16 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ với mong muốn, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, những phong tục tập quán của Ba Vì được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi khắp trên cả nước đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 397 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 120 di tích thờ Đức Thánh Tản và 134 di tích đã được xếp hạng các cấp tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, di tích đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến… Trong chiến lược phát triển, huyện Ba Vì xác định, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc. Đây cũng là nguồn lực để xây dựng và làm phong phú các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức trong 2 ngày 14-15 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức 23-24/2/2024), trong đó chính lễ vào ngày 14 tháng Giêng tại Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia đền Hạ thuộc xã Minh Quang và không tổ chức rước liên vùng với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).
Tại lễ hội, người dân và du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, trong lễ khai mạc, du khách được thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.
Ở phần hội, Ban tổ chức sẽ tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống từ 13h đến 22h các ngày 22 và 23/2 (tức ngày 13, 14 tháng Giêng).
Trước đó, vào đêm và rạng sáng 13 tháng Giêng, người dân đã tổ chức lễ rước nước từ sông Đà về đền Hạ, dâng hương tại các di tích: Đền Thượng, đền Bác Hồ, đỉnh Mẫu (xã Ba Vì), đền Trung, chùa Tản Viên (xã Minh Quang) và tế thỉnh Đức Thánh tại đền Hạ.
Trong ngày khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì cũng tổ chức khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa – tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.
Đặc sắc lễ hội Tản Viên Sơn
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên – vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt, người đã giúp dân khai sơn, trị thủy, dạy cách làm ruộng, săn bắn, dệt lụa, hát ca và mở hội.
Trong tâm thức dân gian của người dân xứ Đoài, Tản Viên Sơn Thánh là hiện thân của một vị thần núi, cai quản không gian thiêng của ngọn núi Tản cao chót vót phía Tây kinh thành Thăng Long – nơi đó là địa linh, ở vào vị trí trấn thủy trọng yếu chống lại sự tàn phá của thủy tai do dòng sông Đà và sông Hồng gây ra. Tản Viên Sơn Thánh còn là hiện thân của nhân vật anh hùng chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang, liên minh các bộ tộc, bảo vệ địa bàn cư trú của cư dân.
Bên cạnh đó, Tản Viên Sơn Thánh còn là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của gia đình Ngài, việc thờ phụng được nhân dân trong vùng lưu truyền và tiếp nối ngàn đời. Cứ mỗi độ xuân về, người dân bản địa lại nô nức tổ chức lễ hội.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Lễ tưởng niệm nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn, vị thần đứng đầu hàng Tứ bất tử trong thần điện Việt. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân địa phương và phát triển kinh tế – xã hội của huyện Ba Vì.
“Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn 2024 không tổ chức rước liên vùng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm. Trong đó, việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT quần chúng vẫn được khuyến khích nhằm phát huy năng lực sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của Nhân dân” – ông Lê Khắc Nhu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thể thao huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết.