Không khí Tết đìu hiu tại làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh

Từng nổi tiếng là làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống, luôn tấp nập mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, nghề sản xuất bánh mứt kẹo tết tại đây đang dần mai một.

Nghề làm bánh mứt, kẹo truyền thống tại làng nghề Xuân Đỉnh đã có tuổi đời gần 60 năm. Hầu hết nhà nào cũng ít nhiều gắn bó và có nguồn thu nhập chủ yếu từ công việc làm mứt Tết. Thế nhưng, hiện nay, con số hộ dân còn trụ được với nghề chỉ tính trên đầu ngón tay.

Nghề làm mứt dần bị mai một

Những năm trước đây vào mỗi dịp Tết, chỉ cần đi đến cổng làng đã ngửi thấy mùi thơm của mứt quyện vào trong hương gió, cùng khung cảnh tấp nập do lượng khách đông đảo tới đây mua mứt kẹo Tết, chuẩn bị cho một dịp Tết truyền thống.

Cổng làng nghề bánh mứt kẹo Tết tại Xuân Đỉnh vắng người qua lại. (Ảnh: Khánh Ly)
Cổng làng nghề bánh mứt kẹo Tết tại Xuân Đỉnh vắng người qua lại. (Ảnh: Sóng trẻ)

Vài năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất tại khu vực Xuân Đỉnh ngày càng giảm đi. Những cơ sở làm mứt truyền thống cũng dần bị thay thế bằng những mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người dân, làng nghề chỉ còn vỏn vẹn vài cơ sở làm mứt còn sót lại.

Mặt khác, nghề làm bánh kẹo mứt cần những yêu cầu nhất định về mặt kỹ thuật của nhân công trong quy trình sản xuất và cả môi trường, khuôn viên phục vụ cho việc sản xuất, đóng gói và bảo quản. Tuy nhiên hiện nay, do mặt bằng sản xuất hạn chế, chỗ phơi nguyên liệu cũng rất khó khăn. Việc tuyển người làm mứt có tay nghề, kỹ thuật đạt yêu cầu cũng không dễ dàng. Để làm được mứt Tết phải mất nhiều năm học nghề, nhiều người trong làng lại lựa chọn kinh doanh ngành nghề khác nên nhân công khan hiếm, không tiêu thụ được nên không dám sản xuất nhiều.

dd1e7781-bf57-4b90-afd1-e11117f9c503.jpeg
Lượng khách ít ỏi tại làng Xuân Đỉnh dịp cận Tết. (Ảnh: Sóng trẻ)

Khó khăn trong đáp ứng thị hiếu khách hàng

Với sự cạnh tranh khắc nghiệt về cả giá thành và mẫu mã của những mặt hàng Tết hiện nay, mứt Tết cổ truyền đã không còn là lựa chọn của phần lớn khách hàng. Vài năm trở lại đây, số lượng khách hàng chọn mứt Tết làm quà biếu đã giảm đi đáng kể. Những cửa hàng còn sót lại trong làng nghề mứt truyền thống này cũng không có quá nhiều khách tới mua hàng dù dịp Tết đã cận kề.

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế năm nay không ổn định, thu nhập của người dân khá bấp bênh, nên nhu cầu mua sắm cho dịp Tết lại càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn hàng hoá tiêu thụ.

65bb715d-d99c-448b-a193-ae9a99c4930c.jpeg
Một trong những cửa hàng còn lại của làng nghề. (Ảnh: Sóng trẻ)

Mứt Tết cổ truyền có những món như mứt bí, gừng, sen, lạc… Mứt Tết được bọc cẩn thận bởi lớp giấy bóng, để trong hộp đỏ sặc sỡ. Các hộp mứt cổ truyền có giá dao động từ 35.000 – 60.000 đồng/hộp; hộp đựng mứt được đầu tư hơn về mặt hình thức, bao bì nhãn mác sẽ có giá cao hơn, dao động từ 120.000 – 180.000 đồng/hộp. Dù có mức giá phải chăng nhưng dịp cận Tết, những cửa hàng mứt Tết truyền thống vẫn ít người qua lại.

Hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã chú ý đến đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bao bì ghi đầy đủ nhãn mác, thời gian sản xuất, hạn sử dụng… Thêm vào đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ làng nghề sản xuất tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này góp phần thúc đẩy lượng người tiêu thụ cũng như đảm bảo uy tín cho làng nghề.

Nghề làm mứt không chỉ gia tăng giá trị kinh tế cho người dân mà còn là một trong những cách người dân gìn giữ nét đẹp ẩm thực Hà Thành. Hiện nay với sự đa dạng của hàng trăm các sản phẩm bánh kẹo trong nước và ngoài nước khiến mặt hàng kẹo, mứt Xuân Đỉnh gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân cùng chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực cố gắng cải thiện những khó khăn, vướng mắc để tạo ra những sản phẩm bánh kẹo mứt cổ truyền có mẫu mã đa dạng và chất lượng hương vị, góp phần lưu giữ nét cổ truyền của mứt Tết.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *