Mâm cỗ truyền thống của người Việt
Tết thường bắt đầu từ 30 tháng Chạp (ít nhất đến mùng 4, mùng 5) ở một số nơi, người ta ăn Tết vui chơi, hội hè đình đám…kéo dài đến hết tháng Giêng. Thế nhưng, việc chuẩn bị có khi bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp và phải hoàn tất trước buổi trưa ngày 30. Đây cũng là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình.
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà sắp xếp chuẩn bị mâm cỗ lớn cúng đón rước ông bà vào buổi trưa hoặc buổi chiều 30, và mâm cỗ vào ngày mồng 3 hoặc mồng 4 Tết để tiễn ông bà đi gọi là cúng đưa.
Do điều kiện địa lý, thói quen trong ăn uống, phong tục của từng miền. Nên mỗi miền có mâm cỗ Tết khác nhau.Ở miền Bắc gọi là mâm cỗ, miền Trung gọi là mâm cộ, miền Nam gọi là mâm cơm cúng ông bà.
Mâm cỗ Tết miền Bắc theo đúng bài bản, thường thì 4 bát, 4 dĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 dĩa hoặc 8 bát, 8 dĩa…có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Trước khi dâng cúng tổ tiên thì dùng giấy trang kim đậy các bát, đĩa thức ăn lại cho vệ sinh, tinh khiết và đẹp mắt.
Bốn bát, bốn dĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. Bốn dĩa gồm: dĩa thịt gà, dĩa thịt heo, dĩa giò lụa, dĩa chả quế. Rồi có thể thêm những dĩa như: dĩa thịt đông, dĩa giò thủ, dĩa xào hạnh nhân, dĩa lạp xưởng khô, dĩa trứng muối, dĩa cá kho riềng, dĩa nộm sứa hoặc nộm rau quả…
Bánh Tết ở miền Bắc phổ biến nhất là bánh chưng ăn kèm dưa hành.
Món tráng miệng đặc trưng thì có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, hồng khô, ô mai mơ gừng… Đặc biệt món chè kho có tính giải độc và giả rượu.
Nhìn chung mâm cổ ngày Tết của 3 miền có một vài điểm khác biệt tùy theo địa phương. Nhưng đặc điểm căn bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cổ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng,bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền – là loại bánh Tết của người Việt Nam, mặc dù hình thức và ý nghĩa khác nhau, như bánh chưng tượng trưng cho Đất là âm, bánh té khi cắt lát ra từng khoanh tròn tượng trưng cho Trời là dương nhưng nguyên vật liệu gần như không có gì khác biệt. Đó là đặc điểm chung nhất phản ánh bản sắc văn hóa,lịch sử,địa lý… của một đất nước có nền văn minh lúa nước như chúng ta.
Bánh Tổ – Trung Quốc
Với người dân Trung Quốc, bánh Tổ (Nian Gao) là món ăn ngày Tết quen thuộc. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau bền vững. Phiên âm “Nian Gao” trong tiếng Trung còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ. Đó cũng chính là mong ước của người dân Trung Quốc trong năm mới.
Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món bánh sủi cảo. Đây là món ăn may mắn trong dịp năm mới vì những chiếc sủi cảo có hình dáng giống thỏi tiền vàng từng dùng vào thời phong kiến. Nhiều gia đình còn cho tiền xu vào trong bánh rồi hấp lên. Nếu ai ăn trúng chiếc bánh có nhân chứa tiền xu, được coi sẽ gặp may mắn cả năm.
Bên cạnh đó còn có món cá (ngụ ý dư thừa của cải), mỳ trường thọ (sợi mỳ dài với mong ước sức khỏe sống lâu) cùng nhiều món truyền thống khác.
Bánh thốt nốt Kanom Pia – Thái Lan
Kanom Pia là loại bánh ngọt có lớp vỏ xốp bên ngoài bao bọc lấy phần lõi giống như kẹo mềm làm từ bột đậu ngọt và lòng đỏ trứng muối. Loại bánh này thường được đóng dấu biểu tượng của sự thịnh vượng. Kanom Pia đôi khi được ngâm trong khói nến để tạo ra mùi khói đặc trưng cho bánh.
\
Bánh Kue Mangkok – Indonesia
Tết Nguyên đán được tổ chức ở Indonesia tương tự như các nơi khác trên thế giới, với màu đỏ chào đón sự thịnh vượng và đoàn tụ gia đình. Một món ăn ngày Tết đặc trưng của ẩm thực Indonesia là Kue mangkok, ví như bánh cupcake truyền thống. Được hấp và nhuộm màu đỏ theo mùa, món tráng miệng này là một biến thể địa phương của món fa gao ở miền Nam Trung Quốc, được làm độc đáo bằng các sản phẩm nhiệt đới như nước cốt dừa, đường thốt nốt và sắn lên men.
Thịt nướng Bakkwa – Malaysia và Singapore
Những miếng Bakkwa mặn ngọt, béo ngậy, thái thành từng miếng vuông được nướng cháy trên than thơm lừng cực kỳ phổ biến ở Malaysia và Singapore, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Món ngon này xuất phát từ phương pháp nấu và kỹ thuật bảo quản độc đáo của người Trung Quốc nhưng đã được bản địa hóa, sử dụng nướng than thay vì phơi khô trong không khí, với một số biến thể bao gồm cả ớt.
Món Lạp – Lào
Một món ăn “linh hồn” của Tết cổ truyền Lào chính là món “lạp” (trong ngôn ngữ nước này có nghĩa là “lộc”). Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món ăn ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.
Hàn Quốc
Cũng giống như người Việt, Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán cổ truyền vào ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch với tên gọi Seollal. Bên cạnh tết Trung thu thì đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Hàn Quốc, không chỉ đánh dấu sự chuyển giao năm cũ – năm mới, mà còn là dịp để con cháu trong nhà tụ họp, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc được đánh giá khá cầu kỳ và phong phú với nhiều món ăn truyền thống như mandu (bánh bao Hàn Quốc), dduk guk (súp bánh gạo cắt lát mỏng), galbijjim (sườn bò kho) hay japchae (miến trộn).
Minh Thảo