Nghệ nhân Lê Thị Liên: Một thời “con trò”, cả đời cống hiến

Từng là con trò (diễn viên) nổi tiếng của ngũ trò Viên Khê, đến nay Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Liên (xã Đông Khê, Đông Sơn) dù đã ngoài 80 nhưng vẫn gắn bó với nghiệp diễn, đặc biệt là trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.

“Ngũ trò Viên Khê” trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn lao của người dân xã Đông Khê nói riêng, Đông Sơn nói chung. Với những nghệ nhân già gắn bó với ngũ trò cả đời như nghệ nhân Lê Thị Liên thì niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội.

Múa đèn, Tiên cuội, Trò thiếp (làng Viên Khê, Đông Anh, Đông Sơn, Thanh  Hoá) | Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Người dân biểu diễn Ngũ trò Viên Khê

Theo bà Liên và các Nghệ nhân Ưu tú trong làng thì Ngũ trò Viên Khê là nghệ thuật trình diễn hết sức phong phú. Với 12 tích trò đến từ 3 tổng: Tuyên Hóa, Quảng Chiếu, Thạch Khê trước đây, nay thuộc địa bàn các xã: Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Thanh, thị trấn Rừng Thông… Gồm các trò: Múa đèn, Trống mõ, Tiên cuội, Ngô quốc (thuộc Ngũ trò Rủn Đông Khê); trò Thiếp, Vằn Vương (trò Hùm), Xiêm thành, Hà lan, Tú huần (xã Đông Khê); trò Ngô phường, Lan phường, Tiên phường, Thủy phường, Lăng ba khúc (nằm trong hệ thống Ngũ trò Bôn của Đông Thanh); trò Chạy gậy (Đông Thịnh)… Các tích trò tập trung phản ánh một cách chân thật về ước vọng của con người trong lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt, cầu mong mưa thuận gió hòa…

Là vùng đất của ngũ trò, do vậy, với những người trung và cao tuổi ở làng thì việc “nằm lòng” một hai trò diễn là chuyện rất đỗi bình thường. Theo trí nhớ của bà Liên, không biết tự bao giờ trên đất Đông Khê xuất hiện các làn điệu dân ca. Thời xưa, ở Đông Khê có rất nhiều lễ hội dân gian, trong đó lễ hội Nghè Sâm là lớn nhất. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ con trai cả của Thái thú quận Cửu Chân (cuối nhà Tùy) là “Chàng Cả Lãng đại vương” cai trị 3 tổng. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ tại Nghè Sâm. Từ đó, cứ ba năm một lần nghè Sâm được chọn là nơi tổ chức lễ hội của ba tổng này. Đây là lễ hội được bà con háo hức, mong chờ, đúng với câu ca “Ba năm một khoá trò lề/ Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi/ Ba năm một khóa trò chơi/ Đông Tây Nam Bắc xin mời về quê”. Dịp lễ hội, mỗi làng được biểu diễn một trò tiêu biểu, các con trò được làng chọn, tuyển và tập luyện kỹ để đưa đến thi cụm. Vượt qua cuộc thi cụm, các đội mới được đưa đi diễn ở nghè Sâm. Với mục đích lễ tế thần linh nên Ngũ trò Viên Khê đặc biệt khắt khe trong việc tuyển chọn con trò. Các con trò được chọn ngoài hình thức ưa nhìn thì phải là những người con gái chưa chồng, con trai chưa vợ, tuổi từ 12 – 16, nhà không có tang, có cớ. Tùy theo từng hiệp trò mà lựa chọn số lượng con trò khác nhau.

“Trở thành con trò là niềm vinh dự lớn của nam thanh nữ tú lúc bấy giờ. Những đứa trẻ con chúng tôi nhìn các anh chị biểu diễn trên sân khấu, lòng thầm mong mai này mình cũng sẽ trở thành một con trò, được biểu diễn trên sân khấu trước đông đảo bà con trong làng”, bà Liên tâm sự.

Nghệ nhân Lê Thị Liên: Một thời “con trò”, cả đời cống hiến

Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Liên. Ảnh: Vân Anh

Theo đuổi mơ ước, cô bé Liên thời đó chăm chỉ đi theo các anh chị học nghề. Ở các buổi diễn của làng, cô luôn là người đến sớm và ra về muộn nhất. Cô ghi nhớ tất cả các động tác, điệu trò và tiếng trống, rồi đến nhà các con trò có tiếng để nhờ họ chỉ bảo về điệu múa cùng tiếng hát. Sự kiên trì của cô được đền đáp, cô dần nắm vững kỹ thuật, diễn thành thạo nhiều trò, trong đó trò cô tâm huyết nhất là Thủy phường. “Lúc bấy giờ tôi trở thành con trò có tiếng ở vùng, các trò diễn của làng tôi luôn được tin tưởng, chọn lựa trong đội hình. Và cũng như anh chị đi trước, tôi tiếp tục truyền dạy cho những người trẻ có đam mê. Tôi nghĩ đây là cách để nghệ thuật dân gian truyền thống sống mãi với thời gian”.

Khi nghè Sâm mất, cùng với đó là sự biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, Ngũ trò Viên Khê dần dần bị mai một, lãng quên.

Tuy nhiên, theo lý giải của bà Liên thì tại thời điểm đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Ngũ trò Viên Khê không còn được như thời “vàng son” thuở trước, cũng không được nhiều người hâm mộ. Nhưng với những nghệ nhân gian dân, con trò của làng nói riêng và người dân làng Viên Khê nói chung, họ chưa bao giờ quên Ngũ trò mà chỉ tạm thời “cất” nó sang một bên để chờ thời cơ đến. Và thời cơ đó là năm 2002, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và Nhân dân xã Đông Khê thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Ngũ trò Viên Khê.

Nhớ lại thời điểm đó, đến giờ bà Liên vẫn rưng rưng cảm động. “Đó là những ngày tháng toàn thể Nhân dân xã Đông Khê đồng lòng, đồng sức, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ Ngũ trò. Xã giao nhiệm vụ cho 7 thôn, mỗi thôn phải khôi phục từ 1-2 trò. Lúc đó đời sống nhà ai cũng khó khăn, kinh phí cho đội văn nghệ gần như không có gì nhưng chúng tôi không bận tâm, bởi người dân trong làng ai cũng có “máu trò” trong người. Tôi và những con trò trước đây cùng với các nhạc công nỗ lực khôi phục lại các trò diễn sao cho đúng với nguyên bản nhất”. Không nhận mình là người có công trong việc khôi phục các trò diễn, bà Liên nói: “Tôi chỉ nhiệt tình hơn người khác một chút, kiên trì hơn người khác trong việc tìm cách cho trò diễn “sống” dậy, để lại được làm con trò đứng trên sân khấu. Đó là trách nhiệm của tôi”.

Theo đó, để Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa lấy tư liệu, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, bà Liên đã song hành cùng với các nhà nghiên cứu trong việc đến từng nhà con trò xưa hoặc những người cao tuổi còn nhớ các tích trò, để ghi chép, phục dựng. Còn bản thân, bà nỗ lực tìm lại những con trò diễn tích Thủy phường ngày trước, kiên trì luyện tập từ ngày này qua ngày khác. Phối hợp với đội trống, khớp từng động tác, lời hát, nhằm mang tích Thủy phường về gần nguyên bản nhất. Bởi vậy, bà Liên là một trong những người làm sống dậy trò Thủy phường trong Ngũ trò Viên Khê.

Hiện tại, ở thôn Tuyên Hóa, bà Liên vẫn là con trò nổi tiếng và đây cũng là thôn diễn trò Thủy phường hay nhất trong huyện. Tuy rằng, điệu múa, lời hát không còn uyển chuyển như trước nhưng tấm chân tình của một nghệ nhân già thì luôn đong đầy. Với đội văn nghệ thôn, bà luôn nhiệt tình tham gia hoạt động truyền dạy. “Học diễn Thủy phường, tôi luôn nói với mọi người phải biết tích trò trước rồi mới học diễn sau. Hiểu sâu sắc tích trò thì điệu múa mới có chiều sâu, tích trò bởi thế cũng hay hơn nhiều”, bà Liên cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *