Người dân làng hương Quảng Phú Cầu hối hả dịp Tết

Thời điểm này, về xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sẽ không chỉ thấy không khí khẩn trương của các hộ dân sản xuất hương đón Tết cổ truyền dân tộc mà còn gặp rất nhiều du khách tìm về tham quan, chụp ảnh. Làng quê ven sông Nhuệ đang từng ngày “thay da đổi thịt” và trở thành địa điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Làm ngày, làm đêm để đáp ứng thị trường

Theo tìm hiểu của PV, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu có từ cách đây hàng trăm năm. Trước đây gần như 100% số hộ dân đều làm hương nhưng hiện nay số hộ dân bám trụ với nghề giảm. Trong 6 thôn của xã thì Xà Cầu có số hộ làm hương nhiều hơn cả, với 5 hộ, trong đó có 3 hộ se hương bằng máy, 2 hộ se hương thủ công. Còn các thôn khác số hộ làm hương rất ít mà chủ yếu sản xuất tăm hương (khoảng vài chục hộ). Hiện, cả xã có 2 người được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân là anh Nguyễn Tiến Thi (thôn Xà Cầu), Giám đốc HTX hương đen Thủy Xuân Tiên và chị Nguyễn Thu Phương (thôn Quảng Nguyên), chủ cơ sở sản xuất hương Tuấn Phương.

Vừa chỉ tay hướng dẫn thợ làm hương, nghệ nhân Nguyễn Tiến Thi vừa vui vẻ cho biết, nhà anh đã có 5 đời làm hương, riêng anh đã có hơn 20 năm làm nghề. Trong khi nhiều hộ dân đã chuyển sang nghề khác thì anh vẫn gắn bó với nghề, bởi với anh, làm hương không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương, dòng tộc. Cũng theo anh Thi, hiện HTX hương đen Thủy Xuân Tiên sản xuất nhiều loại hương, như: Hương đen truyền thống (nguyên liệu trám từ Thái Nguyên, Gia Lai), hương trầm (nguyên liệu trầm nhập từ Quảng Nam), hương quế (nguyên liệu quế nhập từ Yên Bái), hương bài (nguyên liệu bài nhập từ Nghệ An, Quảng Ninh)… Mỗi năm, HTX bán ra thị trường từ 100-150 tấn hương.

“Hương là mặt hàng tâm linh, thắp hương ngày Rằm, mùng Một và nhiều nhất là dịp Tết Nguyên đán. HTX sản xuất hương quanh năm, riêng trong 3 tháng dịp Tết (tháng 10, 11, 12 âm lịch) thì số lượng tăng gấp đôi các tháng khác. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời điểm này HTX cho công nhân làm thêm ca tối từ 19h đến 22h. Để cho năng suất cao hơn, những năm gần đây HTX đã cải tiến công nghệ từ se hương thủ công sang se hương bằng máy. Nếu như ngày thường HTX có 5 lao động thì thời điểm này có 10 lao động tham gia các công đoạn. Những người làm hương cho HTX đều là những thợ giỏi trong làng. Trước đây họ quen với việc se hương thủ công, giờ đây khi có máy móc, tôi chỉ hướng dẫn họ vài ngày là có thể thành thạo”, anh Thi cho biết thêm.

Chú trọng phát triển thương hiệu, hiện nay nghệ nhân Nguyễn Thu Phương là hộ làm hương duy nhất của xã có các sản phẩm đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Hiện, mỗi năm HTX hương Tuấn Phương bán ra thị trường khoảng 100 tấn với các loại hương đen, hương quế, hương trầm, hương thuốc bắc, hương bài, hương cam thảo, hương sả… và các loại nụ trám, nụ trầm, nụ quế… “Nếu như trước đây, hương chủ yếu được bán ra ở thị trường miền Bắc thì Tết năm nay các sản phẩm của HTX hương Tuấn Phương đã vươn đến thị trường miền Trung, miền Nam. Bởi vậy, dịp này, lao động của HTX phải đêm ngày sản xuất, đóng gói mới có thể kịp mang đến thị trường”, chị Phương thông tin.

Mở ra hướng phát triển mới

Đến xã Quảng Phú Cầu hiện nay, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm hương mà còn được chụp ảnh bên những bó tăm hương như những bó hoa với đủ màu sắc sặc sỡ. Người khởi xướng điểm du lịch gắn với tăm hương là anh Nguyễn Hữu Long (thôn Cầu Bầu). Đến thăm HTX của anh Long nhiều người sẽ vô cùng thích thú khi thấy hàng trăm bó tăm hương được xếp thành hình bản đồ Việt Nam. Chiều 16/1, trong khoảng thời gian 15 phút khi PV Báo CAND trò chuyện với anh Long thì có 2 đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh, trong đó đoàn khách Ấn Độ (4 người), đoàn khách Trung Quốc (10 người). Với giá vé 50 nghìn đồng/người, có thể nói anh Long đã làm tốt “một công đôi việc” khi vừa phơi tăm hương vừa phát triển du lịch một cách hiệu quả.

Anh Long cho biết, xuất phát từ bức ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn Việt chụp cảnh người dân Quảng Phú Cầu đang phơi tăm hương được giải cao trong một cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế nên đã có rất nhiều người tìm về đây tham quan. Nắm bắt được xu thế đó, anh đã mở rộng sân xưởng và sản xuất tăm hương với nhiều màu sắc để du khách có thể đến check-in vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần. “Tâm lý cuối năm ai cũng muốn có bộ ảnh đẹp đón Tết nên thời điểm này du khách về điểm du lịch nhà tôi tăng cao, trong đó đa phần là các bạn trẻ và du khách nước ngoài. Để tăng sự hấp dẫn cho điểm du lịch, tôi thường xuyên xếp các bó tăm hương theo ý nghĩa của từng dịp. Như vào dịp Noel, tôi xếp tăm hương hình cây thông; dịp Quốc khánh, tôi xếp tăm hương hình 2/9…”, anh Long thông tin.

Điểm check-in được giới trẻ yêu thích.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân giữ nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền xã đang tập trung đẩy mạnh mô hình du lịch làng nghề. Vừa qua huyện Ứng Hòa đã tổ chức khánh thành điểm du lịch “Làng nghề tăm hương thôn Cầu Bầu” tại đình Bầu, góp phần tạo nên điểm nhấn thu hút du khách. “Dịp này, mỗi ngày có đến hàng trăm du khách tìm đến Quảng Phú Cầu tham quan, chụp ảnh. Với sự giúp đỡ của Sở Du lịch Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa, chúng tôi đã và đang tổ chức các lớp tập huấn đào tạo để các hộ dân có sự chuyên nghiệp trong  phục vụ du khách. Với lượng khách đông đảo, Quảng Phú Cầu đang góp phần quan trọng vào chuỗi du lịch Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức”, anh Nhất nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *