Tết ông Công, ông Táo

Tết ông Công, ông Táo với tục lệ phóng sinh cá chép là một trong những nét đẹp văn hóa được lưu truyền bao đời này của người Việt Nam.

Hàng năm, các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn đưa ông Táo về trời. Sự tích này, bắt nguồn từ xa xưa từ những câu chuyện mà dân gian lưu truyền từ đời này qua đời khác… Đó là ngày Táo quân, vị thần trông coi bếp, theo tục truyền, lên Thiên đình tâu trình cụ thể với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của gia đình trong năm qua. Táo quân thường được biểu trưng bằng hai vị thần nam và một vị thần nữ, thể hiện ở ba ông đầu rau tức là ba viên gạch kê bếp, sau này là cái kiềng đun bếp. 

Khái niệm và văn khấn ông Công ông Táo. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên mô tả: “Người ta đốt cho các thần những chiếc mũ đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã. Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời. Chuyến đi lên trời này được nhiều người quan tâm. Bằng những đồ cúng hậu hĩ và bằng lời cầu khấn, họ tìm cách làm vừa lòng những vị thần mang sớ tấu trình hằng năm về các hành động tốt và xấu của người trần”.

Tùy theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam có sự khác biệt nhất định. Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ở miền trung, người ta cúng một con ngựa giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Bàn thờ Táo Quân được đặt ở nơi trang nghiêm nhất, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ. Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Công về trời.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.

Ngày nay, vào dịp lễ ông Công, ông Táo, các chợ thường bán sẵn cá chép đỏ cỡ nhỏ, người mua chỉ việc thả vào chậu đưa lên mâm cúng. Cúng xong đem ra ao, hồ, mương…, thậm chí là bể cá cảnh công cộng để thả.

Cũng có rất nhiều hình thức “cá chép” khác thay thế cho cá chép thật, như xôi ép trong khuôn hình cá, bánh thạch hình đàn cá, thậm chí cá chép giấy để cúng xong rồi hóa…để ngày càng phù hợp hơn với  nhu cầu sống hiện nay của mỗi người.

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *