Thả cá chép là một hoạt đông quen thuộc vào ngày Tết ông Công ông Táo hằng năm. Tuy vậy, không phải ai cũng biết ý nghĩa đằng sau của hoạt động này.
Theo truyền thống, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Trong ngày này, cá chép là vật cúng không thể thiếu bởi nhiều người tin rằng, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo về chuyện làm ăn, cư xử của gia đình trong năm vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, cá chép là một trong ba thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý, tài lộc. Vì vậy thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm giúp đem vinh hoa, lộc vận đến với gia đình.
Thả cá chép vào ngày Tết ông Công ông Táo đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt.
Còn theo quan niệm dân gian, thả cá chép còn sống trong chậu nước với mong muốn là cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Từ xa xưa, rồng vốn được coi là loài vật linh thiêng, có khả năng hô mưa gọi gió nên sẽ mang đến ích lợi to lớn cho cư dân vùng nông nghiệp lúa nước. Không chỉ vậy, cá vượt vũ môn còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ không biết mệt mỏi để đi tới thành công.
Ngoài ra, cá chép còn là biểu tượng cho sự phát triển cùng khả năng sinh sôi vô cùng lớn. Thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, mong cầu sự sinh sôi, phát triển của người Việt từ xưa đến nay.
Sau lễ cúng ông Công ông Táo, cá chép sẽ được “phóng sinh” bằng cách thả ra ao hồ, sông suối quanh khu vực gia đình sinh sống.
Minh Thảo